Tam thất là một loại dược liệu quý, được nhiều người sử dụng thường xuyên vì tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về cây tam thất, phân loại và cách sử dụng tam thất cho tốt nhất. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá công dụng chữa bệnh của cây tam thất, cách sử dụng và những điều cần lưu ý.
Đặc điểm của cây tam thất
Tam thất được coi là một loại thuốc dân gian có nhiều công dụng chữa bệnh. Đặc điểm của cây tam thất là dễ sinh sống và phù hợp với điều kiện khí hậu miền núi nước ta, vì thế cây tam thất được săn đón trong y học cổ truyền.
Đặc điểm phân bố, thu hoạch
Cây tam thất là loài cây thuộc giống thân thảo, chiều cao khoảng từ 30 - 50 cm. Lá cây tam thất thường mọc theo chùm 3 - 4 lá, mép lá có hình răng cưa. Hoa tam thất cũng mọc thành cụm nhỏ giống hình chiếc ô, thường nở vào tháng 5 - tháng 7. Củ tam thất có hình dạng sần sùi, thoi và có các vết vằn dọc theo hình dáng củ.
Ở nước ta, cây tam thất được trồng chủ yếu là tam thất Bắc, có tên khoa học là Panax Pseudo - ginseng. Cây tam thất được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và những nơi có độ cao từ 1500m trở lên.
Hầu hết các bộ phận của cây tam thất đều được sử dụng như một loại dược liệu, nhưng phần hoa tam thất và phần củ được sử dụng nhiều nhất. Cây tam thất muốn hình thành củ thì phải trồng 3 - 7 năm mới thu hoạch được. Đây cũng là bộ phận giá trị nhất của cây tam thất. Sau khi thu hoạch, củ tam thất sẽ được làm sạch, cắt bỏ phần rễ và đem phơi khô.
Thành phần hóa học
Tam thất có vị ngọt, đắng và có tính ôn. Thành phần hóa học chủ yếu của củ tam thất là các saponin A, B và 16 loại acid amin khác. Vì vậy, tam thất được biết đến là dược liệu giúp điều trị một số bệnh liên quan đến huyết máu, tim mạch.
Công dụng chữa bệnh của cây tam thất
Tam thất được sử dụng như một loại thuốc bổ tốt cho sức khỏe, đặc biệt hiệu quả đối với những người mới ốm dậy hay những người thường xuyên mệt mỏi, cơ thể suy nhược. Củ tam thất có tác dụng cầm máu, thổ huyết, tiêu ứ máu bên trong, giảm bầm tím và nhanh lành vết thương. Có thể trực tiếp sử dụng tam thất để cầm máu tại chỗ cho những vết thương ngoài da, bị ứ huyết, sưng đau…
Cây tam thất có tác dụng cầm máu, bồi bổ sức khỏe nên sử dụng rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh. Đồng thời, sử dụng tam thất cũng có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể giảm mệt mỏi, phục hồi nhanh chóng sau tiểu phẫu. Tam thất cũng giúp cơ thể loại bỏ các độc tố, duy trì cơ thể ở trạng thái cân bằng.
Theo nghiên cứu, cây tam thất còn có tác dụng phòng ngừa và điều trị ung thư, kìm hãm sự phát triển, di căn của các tế bào ung thư. Sử dụng tam thất giúp bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, làm giảm huyết áp, giảm nhịp tim khi sử dụng một lượng tam thất mỗi ngày. Ngoài ra, tam thất cũng có tác dụng chống lão hóa, làm chậm quá trình lão hóa da giống như nhân sâm.
Dù không được ghi chép nhiều, nhưng hoa tam thất cũng được bán phổ biến trên thị trường. Hoa tam thất là phần hoa và nụ tam thất có màu xanh, nhỏ như những lá chè và có tác dụng điều trị các bệnh tim mạch, huyết áp, chống mất ngủ, thiếu máu não. Cách sử dụng của hoa tam thất là pha và uống như một loại trà.
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng cây tam thất
Dưới đây là một số bài thuốc sử dụng trực tiếp cây tam thất để chữa bệnh:
- Bài thuốc giảm bầm tím, ứ máu: sử dụng 2-3g bột tam thất pha với nước ấm uống, ngày uống 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 6 - 8 tiếng.
- Bài thuốc cầm máu: dùng bột tam thất rắc trực tiếp lên vết thương để cầm máu.
- Bài thuốc điều trị đau thắt lưng: lấy 2g bột tam thất trộn đều với 2g bột hồng sâm, pha với nước uống, ngày uống 2 lần. Bài thuốc này cũng có tác dụng bồi bổ cơ thể cho người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh hay người có cơ thể suy nhược, ốm yếu.
- Bài thuốc chữa thấp tim: dùng 1g bột tam thất pha với nước ấm, mỗi ngày uống 3 lần và sử dụng liên tục trong vòng 1 tháng.
- Bài thuốc chữa đau bụng trước kỳ kinh nguyệt: sử dụng 5g bột tam thất pha với nước ấm hoặc cháo loãng, ngày uống 1 lần.
- Bài thuốc điều trị chứng ra máu sau sinh: sử dụng khoảng 8g bột tam thất pha với nước ấm hoặc cháo, uống liên tục mỗi ngày 2 - 3 lần cho đến khi triệu chứng ra máu hết hẳn.
Bạn cũng có thể sử dụng một lượng nhỏ bột tam thất mỗi ngày để bồi bổ sức khỏe, ổn định tim mạch, đặc biệt đối với những người kén ăn, ốm yếu. Ngoài ra, cây tam thất cũng có thể kết hợp với một số dược liệu khác để chữa bệnh. Tuy nhiên, những bài thuốc này phải sử dụng theo đơn kê của bác sĩ Đông y, không được tự ý kết hợp với các dược liệu khác. Bạn cũng có thể sử dụng tam thất trong một số món ăn để giảm vị đắng của tam thất, ví dụ như gà hầm tam thất, rượt hầm tam thất ngó sen trứng gà...
Cách dùng và một số lưu ý khi sử dụng cây tam thất
Cây tam thất là dược liệu khá lành tính, không có tác hại đối với người sử dụng. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng tam thất theo các bài thuốc hoặc cách dùng mà chúng tôi đã nêu trên đây. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau:
- Không sử dụng tam thất khi cơ thể bị lạnh vì nó có thể khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
- Phụ nữ có thai không nên sử dụng tam thất, cả tam thất tươi hay bột tam thất vì nó có thể gây khó khăn trong việc sinh hoặc sảy thai. Tuy nhiên, phụ nữ sau khi sinh sử dụng tam thất lại mang lại hiệu quả rất tốt.
- Tuyệt đối không sử dụng tam thất cho người bị tiêu chảy.
- Không nên kết hợp tam thất với các loại trà đặc biệt là các loại trà có hương vị mạnh.
- Không nên sử dụng quá 9g bột tam thất mỗi ngày.
- Đối với phụ nữ bị chứng rong kinh nặng, cũng không nên sử dụng cây tam thất vì có thể khiến kinh nguyệt chảy lâu hơn.
Đối với trẻ em, bạn nên hỏi ý kiến của các chuyên gia về cách dùng, liều dùng trước khi sử dụng, không được tự ý cho trẻ uống tam thất. Khi sử dụng tam thất quá liều cũng có thể xảy ra tình trạng đối kháng, không thu được hiệu quả tốt. Vì vậy bạn cần lưu ý khi sử dụng cây tam thất.
Trên đây là tất cả thông tin về công dụng chữa bệnh, cách dùng và một số lưu ý khi sử dụng cây tam thất. Mặc dù tam thất là dược liệu lành tính, nhưng bạn cũng không được chủ quan, sử dụng tùy ý. Đặc biệt không được áp dụng quan điểm tam thất có thể chữa được bách bệnh của người xưa.