Reviews

Sôi nổi hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền trong trường học

MAI THỊ NHUNG

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm vui Xuân cho học sinh. Đây là những hoạt động ngoại...

Dịp tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm vui Xuân cho học sinh. Đây là những hoạt động ngoại khóa bổ ích, giúp các em có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về ý nghĩa ngày Tết cổ truyền của dân tộc và từ đó có suy nghĩ, hành động để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Sôi nổi hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền trong trường học

Sôi nổi và hào hứng là những điều chúng tôi đã ghi nhận được trong hoạt động trải nghiệm "Tết vui rộn rã - Xuân ngàn yêu thương" của Thầy, Cô giáo, học sinh và phụ huynh Trường tiểu học Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên diễn ra ngày 10/1 vừa qua. Tại chương trình này, học sinh được tham gia giao lưu và biểu diễn văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian cùng với bố, mẹ và cùng lưu giữ, sẻ chia khoảnh khắc đẹp nhất thông qua cuộc thi ảnh "Khoảnh khắc Xuân 2024".

Dưới sự hướng dẫn của các Thầy, Cô giáo và phụ huynh, các em học sinh còn được tự tay làm những phong bao lì xì, trang trí cành đào và cành mai, bày mâm ngũ quả, làm các loại bánh kẹo truyền thống và gói bánh chưng. Các em cũng được thể hiện tài năng và sự khéo léo trong các hoạt động thực hành làm các sản phẩm trang trí, trưng bày không gian ngày Tết, sử dụng kiến thức đã học để tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa và giá trị đem giới thiệu và bày bán nhằm huy động nguồn lực để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt và khó khăn, đặc biệt là học sinh vùng cao.

Hoạt động truyền thống và giáo dục

Cô giáo Nguyễn Thu Ba, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đống Đa cho biết: "Đây là hoạt động thường niên của nhà trường mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ngoài mục đích cho học sinh được trải nghiệm các hoạt động, phong tục đón Tết cổ truyền, hoạt động ngoại khóa này còn giúp các em được rèn luyện kỹ năng sống và phát triển ngôn ngữ giao tiếp."

Chương trình cũng là hoạt động tiếp nối hành trình thiện nguyện mà nhà trường đã làm tốt trong nhiều năm qua. Tất cả số tiền bán hàng tại các gian chợ Tết của các lớp, cũng như tiền nuôi lợn đất sẽ được nhà trường thực hiện các chương trình thiện nguyện ý nghĩa như thăm, tặng quà học sinh vùng cao và tặng quà Tết cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn bao giờ hết, nhà trường hy vọng qua các hoạt động, các em biết trân trọng những điều mình đang có, biết ơn cha mẹ, thầy, cô giáo và trân trọng giá trị lao động để các em có ý thức và trách nhiệm hơn với gia đình và cộng đồng.

Tìm hiểu và gắn bó với truyền thống văn hóa

Em Trần Ngọc Bảo An, học sinh lớp 5A6 cho biết: "Đây là lần thứ 3 em được gói bánh chưng, được cùng bố mẹ và thầy cô làm những món đồ thủ công xinh xắn bày bán trong hội chợ để gây quỹ tặng bạn nghèo. Em thấy rất vui và ý nghĩa. Qua các hoạt động trải nghiệm này, em biết thêm về những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết và nhận thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp đó."

Các bậc phụ huynh cũng rất hào hứng và tích cực tham gia vào chương trình của nhà trường như chuẩn bị trang phục truyền thống cho các con và cùng nhau trang trí, tạo không gian để các con vui chơi. Chị Nguyễn Tú Anh ở phường Đống Đa cho biết: "Tôi rất hào hứng với chương trình ngoại khóa của nhà trường. Tôi được cùng con tham gia gói bánh chưng, bán hàng Tết, trang trí không gian Tết... Đây là trải nghiệm vô cùng thú vị và là kỷ niệm khó quên đối với hai mẹ con tôi trong dịp Tết này. Tôi thấy những hoạt động trải nghiệm này khá bổ ích đối với trẻ. Các con đã mạnh dạn, tự tin và hiểu biết được nhiều điều hơn."

Lan tỏa những giá trị đẹp

Không chỉ Trường tiểu học Đống Đa, nhiều trường học khác trên tỉnh cũng đã tổ chức chương trình trải nghiệm Tết cổ truyền dân tộc với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau như "Xuân gắn kết - Tết yêu thương", "Tết dân gian", "Xuân sum vầy - Tết sẻ chia" với những hoạt động đa dạng và phong phú tái hiện lại không gian, phong tục và không khí ngày Tết cổ truyền như gói bánh chưng, viết câu đối thư pháp, thi bày mâm ngũ quả, làm hoa mai và hoa đào bằng giấy, tổ chức các trò chơi dân gian và tái hiện phiên chợ quê ngày Tết.

Các trường cũng tổ chức quyên góp, bán hàng gây quỹ và trao quà Tết tặng học sinh nghèo và có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn chung tay mang đến cho cộng đồng một cái Tết đủ đầy và đầm ấm. Qua đó, không ngừng lan tỏa và giáo dục cho thiếu nhi về đạo lý, truyền thống tốt đẹp và quý báu "Thương người như thể thương thân" và "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc, nhất là trong dịp Tết đến và Xuân về.

Hoạt động trải nghiệm này đã tạo ra một sân chơi lành mạnh và có ý nghĩa giáo dục cho học sinh, thu hút các bạn tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo bổ ích để xây dựng mối quan hệ đoàn kết và gắn bó giữa học sinh trong trường và trong lớp với nhau. Đồng thời, giúp các em hiểu biết thêm về Tết cổ truyền và yêu hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương và dân tộc.

Bích Huệ

1