Ngành du lịch việt nam đang trên đà bước vào một giai đoạn phát triển đáng kinh ngạc vào năm 2024. Từ ngày tết Dương lịch, các địa điểm du lịch trên toàn quốc đã chứng kiến một sự tăng trưởng đáng kể với lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng từ 30-60% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đã chào đón 5 du thuyền chở khách quốc tế. Đáng chú ý là 2 siêu tàu biển lớn là tàu Vasco Da Gama (Bồ Đào Nha) và tàu Celebrity Solstice (Malta) đã cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, mang theo gần 3.700 khách du lịch châu Âu và Mỹ. Đây cũng là một trong những đoàn khách lớn nhất từ tháng 10/2023 đến nay.
Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng gấp 73,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là con số cao nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch từ tháng 3/2022, tương đương với thời điểm trước dịch Covid-19 vào tháng 1/2019. Điều này là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam và tạo động lực, niềm tin để đạt được mục tiêu đón 17-18 triệu khách quốc tế và phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú) trong năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam trong tháng 1/2024 (chiếm tỷ lệ 27,6%). Trong khi đó, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3. Anh, Pháp, Đức và Nga là những thị trường lớn nhất châu Âu gửi khách du lịch đến Việt Nam.
Nếu nhìn theo châu lục, lượng khách đến từ châu Á tăng nhẹ so với tháng trước, trong khi lượng khách đến từ các khu vực khác tăng trưởng mạnh mẽ. Lượng khách từ châu Mỹ tăng 27,3%, châu Âu tăng 26,6%, châu Úc tăng 68,5% và châu Phi tăng 35,2%.
Theo đánh giá của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tháng 1/2024 có sự tăng trưởng đáng kể từ các thị trường ở châu Âu nhờ vào chính sách miễn thị đơn phương.
Hai yếu tố chính góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam là chính sách visa mới cho phép cấp visa điện tử (e-visa) và miễn visa cho khách du lịch từ một số quốc gia. Đồng thời, việc đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, lễ hội và hội chợ triển lãm du lịch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Các yếu tố này được phần lớn các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report coi là "đòn bẩy" chính giúp du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển.
Theo tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và dự kiến sẽ đạt mức tăng 2% so với năm 2019 trước đại dịch. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của khu vực châu Á cũng như các yếu tố rủi ro từ kinh tế và chính trị.
Các cuộc xung đột, lạm phát cao, biến động giá dầu và gián đoạn trong thương mại vẫn có thể ảnh hưởng đến chi phí đi lại và lưu trú trong năm 2024.
Dù vậy, vấn đề thiếu nhân lực luôn là một thách thức đối với ngành du lịch, đặc biệt là trong mùa cao điểm. Trong bối cảnh này, du khách có thể ưu tiên lựa chọn các điểm đến gần nhà, có tính bền vững và khả năng thích ứng.