Đại Nội cổ kính, thanh bình ở Huế (@henry_huynguyen)
Khám phá Huế - Di sản văn hóa thế giới
Thành phố Huế không chỉ có phong cảnh hữu tình, đậm chất thơ, mà còn mang trong mình một bề dày văn hóa, lịch sử đậm nét, là địa phương duy nhất có tới 5 Di sản thế giới được công nhận bởi UNESCO. Thới gian 3 ngày 2 đêm tại Cố đô Huế là đủ để bạn tận mắt chiêm ngưỡng những cung điện, đền chùa cổ kính, trải nghiệm cuộc sống yên bình, chậm rãi, gặp gỡ những con người dịu dàng, đôn hậu,... Hãy bớt chút thời gian đến với xứ Huế mộng mơ thôi nào!
Thời gian lý tưởng để đi du lịch Huế
Thời tiết Huế mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, với mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 8) và mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau). Đi du lịch huế vào mỗi giai đoạn trong năm đều có thể cảm nhận được cái đẹp riêng của xứ Huế: Tháng 1 - tháng 3 là mùa xuân ở Huế, tháng 4 là mùa lễ hội Festival Huế, tháng 5 - 6 - 7 mùa hè phát triển du lịch biển, tháng 8 - 9 mùa thu dịu dàng, tháng 10 - 12 trời trở lạnh đưa xứ Huế vào ngày đông. Do vậy bạn có thể sắp xếp thời gian đến Huế vào bất cứ thời điểm nào.
Thông thường khách nội địa đi Huế nhiều từ tháng 5 đến tháng 9, khách quốc tế thì thường chọn tháng 10 đến tháng 4.
Phương tiện đi lại khi đi Huế
Bạn có thể sử dụng phương tiện đường hàng không, đường bộ hay đường sắt để đến Huế.
Phương tiện di chuyển đến Huế bằng đường hàng không
Bạn có thể đi Huế bằng đường hàng không từ một số tỉnh thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, TP. HCM, Nha Trang,... Giá vé máy bay đi Huế dao động từ 600.000đ - 2.600.000đ/chiều bay chưa bao gồm thuế phí. Với thời gian di chuyển chỉ chưa đến 1h30p, đây là cách thức nhanh và thuận tiện nhất để đến Huế.
Mức giá có thể thay đổi phụ thuộc hãng bay, chặng bay, thời điểm kiểm tra vé và giai đoạn đặt vé,... Bạn nên đặt vé sớm nếu đã có kế hoạch từ trước để chủ động được thời gian, và lưu ý “săn” các chương trình khuyến mãi của các hãng hàng không nhằm tăng cơ hội có vé giá tốt.
Phương tiện di chuyển đến Huế bằng đường bộ
Từ Hà Nội hoặc TP. HCM có thể lựa chọn đi Huế bằng đường bộ với xe giường nằm cao cấp. Giá vé xe giường nằm chặng Hà Nội - Huế dao động từ 250.000đ - 400.000đ/khách/ượt, thời gian di chuyển khoảng hơn 12 tiếng. Giá vé xe giường nằm chặng TP. HCM - Huế dao động từ 270.000đ - 550.000đ/khách/lượt, thời gian di chuyển xấp xỉ 20 tiếng. Ngoài ra thì bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân là ô tô hoặc xe máy nếu muốn trải nghiệm cảm giác khám phá từng cung đường trên chặng đường đi.
Phương tiện di chuyển đến Huế bằng đường sắt
Đi tàu hỏa cũng là một trong những cách di chuyển phổ biến khi đến Huế, tuy nhiên thời gian di chuyển khá lâu. Một ngày có 5 chuyến tàu Thống Nhất khởi hành từ Hà Nội/TP. HCM đi Huế.
- Vé tàu hỏa Hà Nội - Huế là khoảng 420.000đ - 1.050.000đ tùy vào hạng ghế, thời gian di chuyển từ 12 - 14 tiếng.
- Vé tàu hỏa TP. HCM - Huế là khoảng 310.000đ - 950.000đ tùy hạng ghế, thời gian di chuyển từ 18 - 23 tiếng.
Phương tiện đi lại tại Huế
Để tham quan thành phố Huế bạn có thể sử dụng xích lô, xe đạp hoặc xe máy. Phương tiện thuận tiện và linh hoạt nhất là xe máy, giá thuê dao động từ 100.000đ - 300.000đ/ngày tùy loại xe. Xích lô và xe đạp phù hợp khi bạn muốn có khoảng thời gian lắng đọng trong không gian cổ kính, yên bình của Huế.
Khách sạn, resort nên chọn khi đến Huế
-
Vinpearl Hotel Huế Vinpearl Hotel Huế - sang trọng giữa vùng đất Cố đô Địa chỉ: 50A đường Hùng Vương, thành phố Huế Giá phòng thấp nhất từ 1.950.000đ/đêm
-
Khách sạn Imperial Huế Trải nghiệm hoàng gia đích thực tại khách sạn Imperial Huế Địa chỉ: 8 Hùng Vương, thành phố Huế Giá phòng thấp nhất từ 1.305.000đ/đêm
-
Indochine Palace Nghỉ dưỡng sang chảnh tại Indochine Palace Địa chỉ: 105A Hùng Vương, thành phố Huế Giá phòng thấp nhất từ 2.090.000đ/đêm
-
Banyan Tree Lăng Cô Hotels & Resort Tọa độ sống ảo đắt giá của Banyan Tree Lăng Cô Hotels & Resorts (@banyantree.langco) Địa chỉ: Đồi Cù Du, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Huế Giá phòng thấp nhất từ 7.890.000đ/đêm
-
Ana Mandara Huế Resort & Spa Ana Mandara Huế Resort & Spa - chốn dừng chân lý tưởng (@anamandarahue) Địa chỉ: Làng An Hải, thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế Giá phòng thấp nhất từ 1.760.000đ/đêm
Khách sạn mà mình lựa chọn cho chuyến đi Huế vừa qua là khách sạn Indochine Palace. Đây là khách sạn đẳng cấp 5 sao quốc tế thuộc chuỗi khách sạn Best Western Premier danh tiếng. Indochine Palace thu hút du khách nhờ không gian kết hợp hài hòa giữa nét kiến trúc Đông Dương sang trọng với sự tinh tế, tráng lệ của một cung điện, bao quanh là không gian xanh mát của cây cối. Với tổng cộng 222 phòng nghỉ cùng hệ thống phòng họp, phòng tiệc,... khách sạn là nơi lưu trú phù hợp với nhiều đối tượng khách từ khách du lịch nghỉ dưỡng, công vụ công tác cho đến những doanh nhân. Phòng nghỉ mình đặt là Palace Deluxe giá 2.090.000đ/phòng/đêm, tiêu chuẩn 2 người lớn, đã bao gồm buffet sáng miễn phí. Mình rất ấn tượng với cấu trúc phòng rộng rãi, cách bày trí nội thất đầy tính nghệ thuật, hương thơm nhẹ nhàng phảng phất, cùng tông màu vàng chủ đạo tạo cảm giác như mình thật sự đang ở trong một cung điện vậy. Để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đa dạng của du khách, Indochine Palace cung cấp đầy đủ các hình thức giải trí, thư giãn như nhà hàng, spa, gym, bar,... với cơ sở vật chất hiện đại và các trang thiết bị đạt chuẩn. Tọa lạc tại vị trí đắc địa, trong vòng bán kính 2km là các điểm tham quan nổi tiếng như cầu Trường Tiền, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế,..., cùng với mức chi phí có thể nói là phải chăng cho những dịch vụ cao cấp 5 sao, khách sạn Indochine Palace đích thị là điểm đến lý tưởng cho chuyến du lịch của bạn tại xứ Huế.
Lịch trình tham quan Huế 3N2Đ
Ngày thứ nhất: Chùa Thiên Mụ - Đại Nội Huế
Lịch trình ngày đầu tiên của chúng mình bắt đầu với Chùa Thiên Mụ. Có thể nói đây là ngôi chùa cổ nhất xứ Huế, được xây dựng từ năm 1601, đã qua nhiều lần trùng tu xây dựng cho đến ngày nay. Ngay phía trước chùa Thiên Mụ là ngọn Tháp Phước Duyên sừng sững. Ngọn tháp 7 tầng cao 21m là biểu tượng của ngôi chùa, tại mỗi tầng tháp đều thờ tượng Phật. Chùa Thiên Mụ là linh hồn của Cố đô Huế, là di tích lịch sử - văn hóa - nghệ thuật vô giá, nơi bảo tồn những bức tượng, hoành phi, câu đối, chuông đồng, bia đá,..., chứng tích cho một thời kỳ lịch sử vàng son.
Chụp hình bên Tháp Phước Duyên - Chùa Thiên Mụ (@shashi_pham94)
Điểm dừng chân tiếp theo là Đại Nội Huế - cung điện của triều đình nhà Nguyễn khi xưa. Giá vé vào tham quan là 200.000đ/người lớn.
Đại Nội Huế nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Cụm di tích này gồm hàng trăm cung điện, đền đài, miếu thờ nguy nga, tráng lệ… Mình sẽ điểm qua sau đây một số công trình tiêu biểu nhé!
- Cổng Ngọ Môn: Trải qua gần hai thế kỷ, ngày nay Cổng Ngọ Môn trở thành một kiệt tác kiến trúc cổ vô giá. Cổng hướng về phía Nam kinh thành chia thành 5 cửa: cửa chính giữa là dành cho Vua, hai cổng hai bên dành cho bá quan văn võ, còn lại hai cổng dành cho binh lính và voi ngựa. Phía trên cổng Ngọ Môn là Lầu Ngũ Phụng được xây bằng gỗ lim, gồm 2 tầng và 9 bộ mái, mái giữa lợp màu vàng, còn lại lợp mái xanh, là nơi triều đình xưa tổ chức các lễ lớn.
Cổng Ngọ Môn - Kiệt tác kiến trúc thời Nguyễn (@tung_ovaltine)
- Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi: Cung điện Thái Hòa cùng sân Đại Triều Nghi có ý nghĩa thể hiện quyền lực của Hoàng triều Nguyễn và uy quyền của quốc gia. Đây là nơi diễn ra những buổi triều nghi quan trọng như lễ Đăng Quang của các đời vua, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần hay các buổi đại triều, …
Chụp hình bên ngoài Điện Thái Hòa (@thuongcesc_4)
-
Cung Diên Thọ: Nơi ở của Hoàng Thái Hậu và Thái Hoàng Thái Hậu xưa kia. Ngày nay cung Diên Thọ là hệ thống kiến trúc quy mô nhất còn lại tại Cố đô Huế với các công trình Cung Diên Thọ, Điện Thọ Ninh, Tạ Trường Du, am Phước Thọ và lầu Tịnh Minh.
-
Tử Cấm Thành: Nằm sau lưng điện Thái Hòa, nơi sinh sống của Vua và Hoàng tộc. Tử Cấm Thành gồm một số các cung điện như:
- Điện Cần Chánh: Nơi diễn ra các buổi thiết triều của nhà vua và tổ chức yến tiệc
- Điện Càn Thành: Nơi ăn ở và nghỉ ngơi của vua
- Cung Khôn Thái: Nằm phía bắc điện Càn Thành, gồm các điện Khôn Thái, Trinh Minh, … nơi ở của Hoàng Quý phi cung các phi tần thuộc Nội Cung
- Thái Bình Lâu: Xây dựng từ năm 1919 đến năm 1921, nơi đọc sách, thư giãn của Vua
Ngoài ra còn có Duyệt Thị Đường, Điện Kiến Trung, Tả Vu và Hữu Vu, …
- Hiển Lâm Các: Công trình cao nhất trong Hoàng thành, là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các đời vua và các vị quan có công lớn. Không một công trình nào trong Hoàng Thành được xây cao hơn Hiển Lâm Các.
Hiển Lâm Các rêu phong, cổ kính (@k.h.a.n.h_v.a.n)
-
Cửu Đỉnh: 9 cái đỉnh bằng đồng đặt trước Hiển Lâm Các, đối diện Thế Miếu. Đây là báu vật được đúc với ý nghĩa tượng trưng cho đế nghiệp muôn năm của triều Nguyễn, thể hiện quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ.
-
Thế Tổ Miếu (Thế Miếu): Nơi thờ các vị vua trong triều đình nhà Nguyễn
Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh và Thế Miếu là một cụm công trình tổng thể không thể tách rời, luôn được nhắc đến cùng nhau, liên kết với nhau từ kiến trúc đến ý nghĩa biểu tượng.
Nếu bạn ghé thăm Đại Nội Huế vào thứ 7 thì hãy ở lại đến tối để tham gia những hoạt động tái hiện các nghi thức cung đình xưa vô cùng đặc sắc của chương trình “Đêm Hoàng Cung” nhé. Và đặc biệt sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng toàn cảnh cung đình Huế lung linh trong ánh đèn.
Kết thúc chuyến tham quan Đại Nội Huế, bọn mình về khách sạn nghỉ ngơi một chút rồi đi ăn tối và khám phá thành phố Huế về đêm tại Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Nằm bên cạnh sông Hương và cầu Tràng Tiền, đây là điểm đến được ưa thích bậc nhất bởi người dân địa phương cũng như khách du lịch với những món ăn đường phố hấp dẫn, các hoạt động văn hóa độc đáo, và đồ lưu niệm mang đậm sắc màu xứ Huế.
Ngày thứ hai: Lăng Tự Đức - Lăng Minh Mạng - Lăng Khải Định - Phố cổ Bao Vinh
Ngày thứ hai kế hoạch của bọn mình là ghé thăm hệ thống lăng tẩm của các triều vua nhà Nguyễn. Sau khi ăn sáng xong bọn mình lên đường tham quan ba khu lăng tẩm nổi bật của triều đại nhà Nguyễn gồm Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng), Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng) và Lăng Khải Định (Ứng Lăng).
- Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) ![Lăng Tự Đức](https://thienviettour.vn/uploads/images/blog/admin/2024/0...