ThS. Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel gợi mở 3 việc Phú Quốc cần làm ngay để du lịch đảo Ngọc thịnh vượng trở lại.
Lượng du khách đến Phú Quốc tụt dốc không phanh
Vừa là chuyên gia, cũng là doanh nhân du lịch với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, theo quan sát của ông, thương hiệu du lịch Phú Quốc giờ đây đã được định vị như thế nào?
Du lịch Phú Quốc giờ đây không còn ở trạng thái tiềm năng hay thế mạnh nữa mà là sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch thượng hạng có thương hiệu không chỉ của Việt Nam mà còn của Đông Nam Á, và cả châu Á.
Có thể nói, Phú Quốc hội tụ đầy đủ những yếu tố cần có của một điểm đến hấp dẫn. Nơi đây có đường bờ biển dài 150 km với hệ thống 14 bãi biển tuyệt đẹp, trong đó có những bãi biển được mệnh danh đẹp nhất Đông Nam Á và châu Á như: Bãi Sao, Bãi Dài, Bãi Trường, Bãi Vòng, Bãi Khem, Bãi Thơm… với bờ cát mịn trắng tinh, những hàng dừa xanh nghiêng bóng và thời tiết nắng nhẹ quanh năm.
Thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho đảo Ngọc hệ sinh thái phong phú với rừng tự nhiên, 3 con sông cùng hệ động, thực vật và sinh vật biển phong phú, những bãi san hô tuyệt mĩ.
Môi trường tự nhiên nguyên sơ, đa dạng các hệ sinh thái, nhất là đa dạng sinh học biển, với thảm cỏ biển, các loài sinh vật biển quý hiếm như trai ngọc, đồi mồi, rùa biển, cá heo, bò biển… cũng là điểm cộng của du lịch Phú Quốc.
Nhờ những lợi thế đó, người dân trên đảo Ngọc đã nuôi trồng và chế biến nhiều loại đặc sản nổi tiếng như: hồ tiêu, rượi sim, hải sản khô,… Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm và thư giãn trong không gian biển rừng thoáng đãng, ngắm cảnh đẹp và thưởng thực nhiều món ăn ngon đến nỗi quên lối về.
Đến Phú Quốc, du khách còn được hoà vào cuộc sống của người dân địa phương ở những địa điểm du lịch như: Dinh Cậu, chợ đêm, làng chài Hàm Ninh, xưởng nước mắm… Hay tham quan các di tích lịch sử như: nhà lao Cây Dừa, Thiền viện Trúc Lâm, mũi Gành Dầu và đền thờ Nguyễn Trung Trực.
Đặc biệt, việc phát triển du lịch tại Phú Quốc đi liền với phát triển cơ sở hạ tầng. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort cao cấp được xây dựng khắp thành phố đảo. Nổi bật như: Premier, JW Marriot, AVS, Sol Beach,…
Ngoài những điểm đến sẵn có, đảo Ngọc Phú Quốc còn có cáp treo Hòn Thơm - cáp treo vượt biển dài nhất thế giới và nhiều khu vui chơi, giải trí hấp dẫn như: Sun World Hòn Thơm Nature Park, Vinpearl Safari, Vinpearl Land,…
Từ cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống bản địa, sản vật địa phương, ẩm thực,.. đều hoàn hảo; đến kết nối hàng không, các cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, show diễn thực cảnh… hoành tráng, tầm cỡ khu vực, nên du lịch Phú Quốc đã tạo được thương hiệu đỉnh cao.
Chính vì thế, thời điểm năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phú Quốc vẫn đón hơn 3,55 triệu lượt khách du lịch, vượt Phuket (Thái Lan), Venice (Italy), Bali (Indonesia), Maldives..., hay thị trường nội địa Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa). Năm 2021 cũng tương tự.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, đảo Ngọc đang rơi vào trạng thái sụt giảm lượng du khách nghiêm trọng, đáng báo động.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn tình hình khai thác tour Phú Quốc ở VietSense Travel để minh chứng cho việc sụt giảm lượng khách đến Phú Quốc?
Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2023, không chỉ VietSense Travel mà hầu hết các doanh nghiệp du lịch, và cả ngành kinh tế xanh đều thấy rất rõ điều đó. Bức tranh khách du lịch đến Phú Quốc từ đó đến nay tụt dốc không phanh, rất ảm đạm, nếu không muốn nói là thê thảm.
CEO Nguyễn Văn Tài cho biết, ở VietSense Travel, lượng khách đi Phú Quốc ước tính chỉ bằng 60% so với những năm trước.
Riêng ở VietSense Travel, do từ giữa tháng 4 về trước lượng khách đi Phú Quốc vẫn đông nên năm nay ước tính lượng khách chỉ bằng 60% so với những năm trước.
Phải giảm giá vé máy bay cho bằng được
Vốn là điểm đến nổi bật ngay cả trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, tại sau khi dịch bệnh được đẩy lùi gần như hoàn toàn, Phú Quốc lại rơi vào trạng thái này, thưa ông?
Giá vé máy bay quá cao, đẩy giá tour lên cao là một trong những nguyên nhân chính khiến lượng du khách đến Phú Quốc sụt giảm mạnh.
Hiện nay, du khách đến Phú Quốc từ Hà Nội gần như đều qua đường hàng không, chỉ lượng rất nhỏ đi bằng đường tàu biển. Vì thế, du lịch bằng hàng không gần như là con đường độc đạo để du lịch Phú Quốc đối với du khách từ Hà Nội.
Khi giá vé máy bay tăng cao, giá tour cao chót vót, Phú Quốc không thể cạnh tranh được với các điểm đến khác trong nước chứ chưa nói đến những điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực như Bali (Indonexia) hay Phuket (Thái Lan). Điều đáng nói là giá vé máy bay cao một cách khá vô lý. Thậm chí, giá vé máy bay đến Phú Quốc từ Hà Nội bằng giá tour trọn gói đi Bali hay Phuket, thì không có lý do gì du khách chọn du lịch Phú Quốc.
Nếu vấn đề kết nối hàng không, giá vé máy bay không “hạ nhiệt” thì tình trạng này sẽ vẫn tiếp diễn và du lịch Phú Quốc vẫn sẽ tiếp tục khó khăn. Với tình hình kinh tế vẫn chưa phục hồi như hiện nay, cứ duy trì chi phí đường bay cao thì thiệt thòi lớn nhất là các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch ở Phú Quốc, từ hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển sẽ đều lâm nguy.
Vậy chính quyền địa phương và ngành du lịch Phú Quốc cần làm gì để tìm lại sự thịnh vượng cho ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố đảo này, thưa ông?
Theo tôi, có 3 việc, nếu chính quyền Phú Quốc làm được thì chắc chắn ngành du lịch sẽ phục hồi và lại hút khách, thịnh vượng như đã từng, thậm chí là phát triển hơn thế.
Thứ nhất, lãnh đạo thành phố Phú Quốc phải thay đổi cách chi tiêu để thúc đẩy ngành du lịch. Trước đây, chúng ta chi cho quảng bá, xúc tiến như tham gia hội chợ quốc tế cả chục tỷ đồng thì bây giờ cũng với nguồn tiền đó, hãy tính toán để hỗ trợ một phần chi phí cho du khách đến đây và doanh nghiệp hàng không đang hoạt động tại đây.
Phú Quốc có thể làm việc với tất cả các bên liên quan và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch để làm sao có nguồn quỹ nào đó có thể hoàn lại 10 - 20% tổng giá tour, để du khách có được mức giá tour hợp lý nhất. Điều này các nước Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia… đã triển khai rất lâu rồi. Trong các chiến dịch kích cầu du lịch, họ thường trích một phần doanh thu để hoàn lại cho du khách.
Tôi muốn nhấn mạnh, đây không phải vấn đề tài chính đơn thuần mà thông qua hành động này, chính quyền địa phương có thể cho du khách thấy được sự sẻ chia với họ, chạm vào tinh thần, chạm đến trái tim của họ. Từ đó, du khách sẽ nhìn thấy một hình ảnh, một mô hình rất ấn tượng ở Phú Quốc.
Tôi nghĩ rằng, việc hỗ trợ 10% - 20% giá tour cho du khách ở một giai đoạn nhất định không phải quá lớn, Phú Quốc hoàn toàn có thể cân đối ngân sách cho du lịch để triển khai.
Thứ hai, chính quyền thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cần có kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan về vấn đề điều tiết hàng không. Đồng thời, làm việc với các hãng hàng không để xem đâu là những điểm nghẽn, những khó khăn vướng mắc khiến giá vé máy bay đến đảo Ngọc cao như vậy và cùng tháo gỡ. Phải phối hợp với các cấp, ngành, để giảm giá vé máy bay cho bằng được.
CEO Nguyễn Văn Tài cho rằng, chính quyền Phú Quốc phải nỗ lực đề xuất, kiến nghị lên cấp trên, tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, để giảm giá vé máy bay cho bằng được.
Chính quyền Phú Quốc cần có chính sách hỗ trợ thuế, phí, bãi đậu sân bay… cho doanh nghiệp hàng không vì doanh nghiệp không thể hoạt động nếu thua lỗ. Đồng thời, cần tổng hợp lại những khó khăn, vướng mắc của hàng không, của doanh nghiệp, người làm du lịch để đề xuất, kiến nghị lên các cơ quan cấp trên “cởi trói” cho ngành kinh tế xanh địa phương.
Khi chính quyền Phú Quốc làm được ba điều này, tự khắc du lịch đảo Ngọc sẽ quay trở lại thời kỳ hoàng kim.