Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, văn hóa ẩm thực có một vị trí đặc biệt quan trọng, đó chính là di sản đã được hình thành, lưu giữ và truyền nối qua các thế hệ. Ẩm thực thể hiện trình độ văn hóa của dân tộc qua phép tắc, cách xử sự trong ăn uống… là nét đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần, là hồn cốt dân tộc. Nói một cách khác, văn hóa ẩm thực là một phần không thể thiếu tạo nên thương hiệu quốc gia.
Ẩm thực Việt Nam trên "bản đồ ẩm thực" thế giới
Trong những năm gần đây, với sự phát triển của du lịch và hội nhập quốc tế, ẩm thực Việt Nam đang dần có những dấu ấn trên “bản đồ ẩm thực” thế giới. Nhiều món ngon đã tạo được thương hiệu với du khách quốc tế. Vào cuối năm 2022, Việt Nam đã được vinh danh là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022” tại Giải thưởng Ẩm thực Thế giới. Đây là giải thưởng uy tín nhằm tôn vinh sự xuất sắc trong ngành ẩm thực hàng năm.
Bên cạnh đó, ẩm thực Việt Nam cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ các chuyên trang du lịch ẩm thực nổi tiếng thế giới. Việt Nam đã được công nhận là điểm đến có nền ẩm thực hàng đầu châu Á trong danh sách Bucket List Places in Asia năm 2023 của chuyên trang Travel and Leisure của Mỹ. Không chỉ có vậy, Việt Nam còn được xếp hạng thứ 5 trong danh sách các quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới theo bình chọn của độc giả từ chuyên trang du lịch The Travel (Canada). Các món ngon của Việt Nam như bánh mì, phở, bún bò Huế được du khách quốc tế khuyên nhau nên thử khi đến Việt Nam.
Tiềm năng và thách thức
Mặc dù đã có những thành tựu đáng mừng, ẩm thực Việt vẫn chưa thể hiện đúng tiềm năng của mình trên "bản đồ ẩm thực" thế giới. So với những ẩm thực khác trong khu vực Châu Á, như Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc, ẩm thực Việt vẫn còn ít được biết đến. Một số món ăn như phở, bánh mì, nem, cơm rang, bún bò Huế đã nổi tiếng, nhưng vẫn còn quá ít so với những gì ẩm thực Việt đang sở hữu.
Theo chuyên gia ẩm thực Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên nhân khiến ẩm thực Việt chưa phổ biến hơn ở các quốc gia khác có nhiều lý do. Món ăn đặc trưng của Việt Nam thường phải ăn nóng, với gia vị tươi và quy trình chế biến cầu kỳ. Ngoài ra, chưa có một nền công nghiệp chế biến thực phẩm mạnh và công tác tuyên truyền, quảng bá vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Tiếp tục phát triển và quảng bá ẩm thực Việt
Để phát triển và quảng bá ẩm thực Việt Nam, cần nhận diện rõ những cơ hội và thách thức. Ẩm thực Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch và quảng bá văn hóa quốc gia đến bạn bè quốc tế. Nên tập trung xây dựng thương hiệu cho các món tiêu biểu, bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Cần khuyến khích quảng bá ẩm thực Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng thời lượng các chương trình về ẩm thực trên phim ảnh và mạng xã hội. Đồng thời, khuyến khích việc mở nhà hàng, quán ăn tại nước ngoài để lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt ra thế giới.
Những hoạt động như trao chứng nhận các món ẩm thực tiêu biểu, xây dựng "Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam", cùng việc tạo "Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam" và "Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam" của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam. Để trở thành "bếp ăn của thế giới", chúng ta cần cùng nhau xây dựng thương hiệu và quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Mời quý vị và các bạn nghe cuộc trao đổi của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung với phóng viên VOV2 tại đây.