Xem thêm

Gợi ý lịch trình hành trình thám hiểm Huế trong vòng 3 ngày 2 đêm

MAI THỊ NHUNG
Huế - thành phố không chỉ tuyệt vời với phong cảnh thơ mộng, mà còn đậm chất văn hóa và lịch sử, với 5 Di sản thế giới UNESCO. Trải qua 3 ngày 2 đêm...

Huế - thành phố không chỉ tuyệt vời với phong cảnh thơ mộng, mà còn đậm chất văn hóa và lịch sử, với 5 Di sản thế giới UNESCO. Trải qua 3 ngày 2 đêm tại Cố đô Huế, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cung điện, đền chùa cổ kính, và trải nghiệm cuộc sống chậm rãi, thanh bình. Hãy dành thời gian để khám phá xứ Huế mộng mơ!

Đại Nội Huế Đại Nội cổ kính, thanh bình ở Huế (@henry_huynguyen)

Thời điểm hoàn hảo cho chuyến du lịch đến Huế

Khí hậu của Huế thường hiện rõ đặc trưng với mùa khô (tháng 3 - tháng 8) và mùa mưa (tháng 9 - tháng 2 năm sau). Mỗi giai đoạn trong năm đều mang đến vẻ đẹp độc đáo của xứ Huế: Mùa xuân (tháng 1 - tháng 3), Festival Huế sôi động (tháng 4), mùa hè biển (tháng 5 - 6 - 7), mùa thu dịu dàng (tháng 8 - 9), và đông lạnh (tháng 10 - 12). Chọn thời gian đến Huế tùy thuộc vào sở thích cá nhân của bạn.

Thường thì du khách nội địa thích thú khi đến Huế từ tháng 5 đến tháng 9, trong khi khách quốc tế thì thường lựa chọn tháng 10 đến tháng 4.

Phương tiện di chuyển khi du lịch tại Huế

Phương tiện di chuyển bằng đường hàng không đến Huế

Khám phá Huế qua đường hàng không từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Nha Trang,... Vé máy bay đến Huế có giá khoảng từ 600.000đ - 2.600.000đ/chiều bay chưa kể thuế phí. Với thời gian di chuyển ngắn, khoảng dưới 1h30p, đây là phương tiện nhanh và thuận lợi nhất để đến với thành phố Cố đô.

Giá vé có thể biến động tùy thuộc vào hãng hàng không, tuyến đường, thời điểm mua vé và giai đoạn thời gian khác nhau. Đề xuất bạn nên đặt vé sớm để dễ dàng quản lý thời gian và theo dõi các chương trình khuyến mãi của các hãng hàng không để có cơ hội nhận vé giá ưu đãi.

Phương tiện di chuyển bằng đường bộ đến Huế

Lựa chọn phương tiện xe giường nằm cao cấp từ Hà Nội hoặc TP. HCM. Giá vé xe giường nằm trên tuyến Hà Nội - Huế nằm trong khoảng 250.000đ - 400.000đ/khách/chiều, thời gian di chuyển hơn 12 tiếng. Với chặng TP. HCM - Huế, giá vé xe giường nằm dao động từ 270.000đ - 550.000đ/khách/lượt, thời gian di chuyển khoảng 20 tiếng. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn phương tiện cá nhân như ô tô hoặc xe máy để khám phá từng đường đi trên hành trình của mình.

Chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển đến Huế

Việc đi tàu hỏa là một lựa chọn phổ biến khi đến Huế, tuy nhiên, thời gian di chuyển có thể khá lâu. Mỗi ngày có 5 chuyến tàu Thống Nhất khởi hành từ Hà Nội/TP. HCM đến Huế. Vé tàu hỏa từ Hà Nội đến Huế có giá khoảng 420.000đ - 1.050.000đ tùy thuộc vào hạng ghế, và thời gian di chuyển kéo dài từ 12 - 14 tiếng. Vé tàu hỏa từ TP. HCM đến Huế có giá khoảng 310.000đ - 950.000đ tùy thuộc vào hạng ghế, và thời gian di chuyển kéo dài từ 18 - 23 tiếng.

Các phương tiện di chuyển trong thành phố Huế

Để khám phá thành phố Huế, bạn có thể chọn sử dụng xích lô, xe đạp hoặc xe máy. Xe máy là phương tiện thuận tiện và linh hoạt nhất, với giá thuê dao động từ 100.000đ - 300.000đ/ngày tùy thuộc vào loại xe. Xích lô và xe đạp thích hợp cho những ai muốn trải nghiệm không khí yên bình, cổ kính của Huế.

Lựa chọn khách sạn hoặc resort khi đến Huế

Khách sạn Vinpearl Huế

Trải nghiệm sang trọng tại Vinpearl Hotel Huế, một điểm đến lý tưởng giữa vùng đất Cố đô

Địa chỉ: 50A đường Hùng Vương, thành phố Huế

Giá phòng khởi điểm từ 1.950.000đ/đêm

Khách sạn Imperial Huế

Trải nghiệm không gian hoàng gia tại khách sạn Imperial Huế

Địa chỉ: 8 Hùng Vương, thành phố Huế

Giá phòng khởi điểm từ 1.305.000đ/đêm

Indochine Palace

Trải nghiệm kỳ nghỉ sang trọng tại Indochine Palace

Địa chỉ: 105A Hùng Vương, thành phố Huế

Giá phòng thấp nhất từ 2.090.000đ/đêm

Banyan Tree Lăng Cô Hotels & Resort

Trải nghiệm không gian sống ảo tuyệt vời tại Banyan Tree Lăng Cô Hotels & Resorts

Địa chỉ: Đồi Cù Du, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Huế

Giá phòng thấp nhất từ 7.890.000đ/đêm

Ana Mandara Huế Resort & Spa

Trải nghiệm tuyệt vời tại Ana Mandara Huế Resort & Spa - điểm dừng chân lý tưởng

Địa chỉ: Làng An Hải, thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Giá phòng thấp nhất từ 1.760.000đ/đêm

Chỗ ở mà mình chọn cho chuyến đi Huế là khách sạn Indochine Palace. Đây là khách sạn 5 sao quốc tế thuộc chuỗi Best Western Premier. Indochine Palace thu hút du khách bởi không gian kết hợp giữa kiến trúc Đông Dương sang trọng và sự tinh tế của một cung điện, được bao quanh bởi không gian xanh mát của cây cỏ. Với tổng cộng 222 phòng nghỉ và hệ thống phòng họp, phòng tiệc, khách sạn là điểm lưu trú phù hợp với nhiều đối tượng, từ khách du lịch nghỉ dưỡng đến doanh nhân. Phòng Deluxe mình đặt có giá 2.090.000đ/phòng/đêm, tiêu chuẩn cho 2 người lớn và đã bao gồm buffet sáng miễn phí. Phòng rộng rãi, trang trí tinh tế và ấm cúng, mang đến cảm giác như đang ở trong một cung điện. Indochine Palace cung cấp đầy đủ tiện nghi và giải trí như nhà hàng, spa, gym, bar, với cơ sở vật chất hiện đại. Tọa lạc tại vị trí đắc địa, gần các điểm tham quan nổi tiếng như cầu Trường Tiền, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, khách sạn Indochine Palace là điểm lựa chọn lý tưởng cho chuyến du lịch tại Huế.

Lịch trình tham quan Huế 3 ngày 2 đêm

Ngày đầu tiên: Khám phá Chùa Thiên Mụ và Đại Nội Huế

Lịch trình ngày đầu tiên của chúng ta bắt đầu với Chùa Thiên Mụ, ngôi chùa cổ nhất xứ Huế, xây dựng từ năm 1601, đã trải qua nhiều lần trùng tu. Phía trước chùa là Tháp Phước Duyên sừng sững, cao 21m với 7 tầng, biểu tượng của ngôi chùa. Mỗi tầng tháp đều thờ tượng Phật. Chùa Thiên Mụ là linh hồn của Cố đô Huế, nơi bảo tồn những di tích quý giá như bức tượng, hoành phi, câu đối, chuông đồng, bia đá...

Chùa Thiên Mụ Chụp hình tại Tháp Phước Duyên - Chùa Thiên Mụ (@shashi_pham94)

Đến Đại Nội Huế - cung điện của triều Nguyễn, với vé vào cửa là 200.000đ/người lớn. Đại Nội Huế là một phần của Di sản Văn hóa Thế giới do UNESCO công nhận, bao gồm hàng trăm cung điện, đền đài, miếu thờ nguy nga, tráng lệ...

  • Cổng Ngọ Môn: Với hơn hai thế kỷ lịch sử, Cổng Ngọ Môn là biểu tượng kiến trúc cổ kính vô song. Hướng về phía Nam, chia thành 5 cửa, cổng chính dành cho Vua, hai cổng hai bên cho quan văn võ, và hai cổng còn lại dành cho binh lính và voi ngựa. Lầu Ngũ Phụng phía trên cổng, xây bằng gỗ lim, 2 tầng 9 bộ mái, là nơi tổ chức các lễ lớn.

Cổng Ngọ Môn Cổng Ngọ Môn - Tuyệt tác kiến trúc thời Nguyễn (@tung_ovaltine)

  • Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi: Cung điện Thái Hòa cùng sân Đại Triều Nghi thể hiện quyền lực của triều Nguyễn và uy quyền của quốc gia. Nơi diễn ra các sự kiện quan trọng như lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, đón tiếp sứ thần, đại triều…

Điện Thái Hòa Chụp hình ngoại thất Điện Thái Hòa (@thuongcesc_4)

  • Cung Diên Thọ: Nơi ở của Hoàng Thái Hậu và Thái Hoàng Thái Hậu ngày xưa. Ngày nay, Cung Diên Thọ là hệ thống kiến trúc lớn nhất còn tồn tại tại Cố đô Huế, bao gồm Cung Diên Thọ, Điện Thọ Ninh, tạ Trường Du, am Phước Thọ và lầu Tịnh Minh.

  • Tử Cấm Thành: Đằng sau Điện Thái Hòa, là nơi ẩn náu của Vua và Hoàng tộc. Tử Cấm Thành bao gồm nhiều cung điện như:

    • Điện Cần Chánh: Nơi diễn ra các buổi thiết triều và tổ chức yến tiệc của nhà vua
    • Điện Càn Thành: Nơi vua ăn ở và nghỉ ngơi
    • Cung Khôn Thái: Ở phía bắc của Điện Càn Thành, bao gồm các điện Khôn Thái, Trinh Minh, … là nơi cư trú của Hoàng Quý phi và các phi tần trong Nội Cung
    • Thái Bình Lâu: Xây dựng từ năm 1919 đến năm 1921, là nơi Vua đọc sách và thư giãn

Ngoài ra, còn có Duyệt Thị Đường, Điện Kiến Trung, Tả Vu và Hữu Vu, …

  • Hiển Lâm Các: Là công trình cao nhất trong Hoàng thành, đây là đài kỷ niệm ghi nhớ công lao của các vị vua và quan thời kỳ lịch sử. Không có công trình nào trong Hoàng Thành cao hơn Hiển Lâm Các

Hiển Lâm Các Hiển Lâm Các mang vẻ đẹp cổ kính, phủ mình bởi tán rêu như bức tranh hòa quyện (@k.h.a.n.h_v.a.n)

  • Cửu Đỉnh: Bộ 9 đỉnh đồng đặt trước Hiển Lâm Các, đối diện Thế Miếu, là biểu tượng quý báu tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực của triều Nguyễn

  • Thế Tổ Miếu (Thế Miếu): Nơi thờ các vị vua trong triều đình nhà Nguyễn

Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh và Thế Miếu tạo nên một hệ thống công trình toàn diện, liên kết từ kiến trúc đến ý nghĩa biểu tượng.

Nếu bạn thăm Đại Nội Huế vào thứ 7, hãy ở lại đến tối để tham gia chương trình “Đêm Hoàng Cung” tái hiện nghi lễ cung đình vô cùng đặc sắc.

Sau chuyến tham quan Đại Nội, chúng tôi trở về khách sạn để nghỉ ngơi trước khi khám phá Huế về đêm tại Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

Ngày thứ hai: Lăng Tự Đức - Lăng Minh Mạng - Lăng Khải Định - Phố cổ Bao Vinh

Kế hoạch thăm hệ thống lăng tẩm của triều đại nhà Nguyễn bao gồm Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng và Lăng Khải Định.

  • Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng)

Lăng Tự Đức Một góc yên bình tại Lăng Tự Đức. (@oohlameo)

Địa chỉ: 7/69 Lê Ngô Cát, Thủy Xuân, Huế

Giờ mở cửa: 8h - 17h

Giá vé: 150.000đ/người

Lăng Tự Đức là nơi lăng đẹp nhất trong hệ thống lăng tẩm của triều đình nhà Nguyễn. Vị trí được chọn bởi tình yêu văn chương và sự lãng mạn của nhà vua, với phong cảnh sơn thủy hữu tình, chim muông và cây cỏ nhiều. Là nơi vua Tự Đức thường tới câu cá, ngắm cảnh, ngâm thơ, và thưởng thức nhạc.

  • Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng)

Lăng Minh Mạng Hóa thân thành nàng thơ xứ Huế tại Lăng Minh Mạng. (@gin.cestmoi)

Địa chỉ: Quốc lộ 49, Xã Hương Thọ, Thị xã Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên - Huế

Giờ mở cửa: 6h30 - 17h30

Giá vé: 150.000đ/người

Quần thể lăng Minh Mạng nằm trên núi Cầm Kê, gồm 40 công trình được bố trí đối xứng dọc theo đường Thần đạo dài 700m. Cung điện, lâu đài, đình tạ nguy nga, lộng lẫy, được bao quanh bởi núi rừng và sông nước, tạo nên không gian uy nghiêm và lãng mạn.

  • Lăng Khải Định (Ứng Lăng)

Lăng Khải Định Tà áo dài thướt tha, nổi bật trong không gian Lăng Khải Định cổ kính (@gin.cestmoi)

Địa chỉ: Xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Giờ mở cửa: 7h00 - 17h30

Giá vé: 150.000đ/người

Lăng Khải Định là lăng tẩm có kiến trúc độc đáo nhất, kết hợp cả lối kiến trúc phương Đông và phương Tây, chịu ảnh hưởng của rất nhiều trường phái kiến trúc ấn tượng trên thế giới như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothic…, được xây dựng và hoàn thành trong thời gian suốt 11 năm. Những vật liệu xây dựng nên lăng Khải Định đều là loại tân thời vào giai đoạn đó, được nhập về từ nước Pháp như sắt, thép, xi măng, Ardoise,... Những bức phù điêu trang trí tại 3 gian giữa cung Thiên Đinh được ghép bằng sành sứ và thủy tinh màu nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản. Có thể nói Lăng Khải Định đã thể hiện trọn vẹn mong muốn xây dựng một lăng tẩm phá cách hoàn toàn so với những vị vua tiền triều của vua Khải Định.

Tham quan xong bọn mình trở lại khách sạn thay đồ rồi tiếp tục hành trình lên đường đến Phố cổ Bao Vinh. Bao Vinh từng là một khu thương cảng sầm uất của xứ Đàng Trong suốt từ thế kỷ XV - XVII. Phố cổ Bao Vinh ngày nay chỉ còn lưu giữ được số ít các căn nhà cổ có niên đại 150 - 200 năm tuổi chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa đắt giá về kinh thành Huế thời hoàng kim.

Ngày thứ ba: Chợ Đông Ba

Ngày cuối cùng bọn mình ghé chợ Đông Ba để mua sắm quà về cho gia đình bạn bè.

Chợ Đông Ba Ẩm thực địa phương hấp dẫn tại chợ Đông Ba (@i.m.nhung)

Chợ Đông Ba là khu chợ 3 tầng rộng lớn nằm ở trung tâm thành phố Huế, kéo dài từ Cầu Gia Hội đến Cầu Trường Tiền với hàng ngàn gian hàng bày bán từ các loại vải vóc, quần áo, đồ thủ công mĩ nghệ cho đến các loại hải sản khô, mắm, và bánh kẹo đặc trưng xứ Huế. Một số đặc sản bạn có thể mua về làm quà làm tôm chua, mè xửng, nem, ...

Nếu bạn muốn thưởng thức những món ăn địa phương truyền thống tại dãy hàng ẩm thực trong chợ thì nên đi sau 3h chiều nhé, lúc này cũng là lúc mà chợ Đông Ba đông đúc, tấp nập nhất đó.

Mua đồ xong thì bọn mình về lại khách sạn sắp xếp đồ và trả phòng rồi ra sân bay. Kết thúc hành trình du lịch Huế 3 ngày 2 đêm.

Những món ngon Huế

Theo kinh nghiệm du lịch Huế của mình, có những món đặc sản sau mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến Huế:

  • Cơm hến: Món đặc sản trứ danh của ẩm thực Huế. Cơm hến được chế biến từ cơm nguội trộn với hến xào, thêm nước hến, mắm ruốc, bắp cải, tóp mỡ, bánh tráng nướng, … cùng một vài nguyên liệu khác.

  • Bún bò Huế: Dùng bún, thịt bắp bò, giò heo, mọc, nước dùng hầm từ xương bò với màu đỏ đặc trưng, nêm mắm ruốc, tạo nên hương vị riêng của bún bò Huế.

  • Bánh ram ít: Một món ăn dân dụ đã trở thành quen thuộc trong cung đình Huế. Kết hợp giữa bánh ram và bánh ít, hai loại bánh béo ngậy, vừa giòn vừa dẻo, chấm cùng nước mắm chua ngọt truyền thống, không hề ngấy.

Cơm hến Cơm hến

  • Chè long nhãn hạt sen: Món chè thanh cao từ hạt sen ở hồ Tịnh Tâm. Hạt sen hấp chín, nấu cùng nước đường cát hoặc đường phèn, giữ vị ngọt của đường, hương sen thơm ngát tự nhiên.

  • Chè bột lọc heo quay: Món lạ miệng từ thịt heo quay, bọc trong màng bột nếp, nấu cùng nước đường thành chè. Vị mặn và ngọt tạo cảm giác hấp dẫn.

Lịch trình du lịch Huế 3 ngày 2 đêm này sẽ giúp bạn tự do chủ động tham quan và vui chơi. Đối với sự tiện lợi, hãy sử dụng combo du lịch Huế với vé máy bay và khách sạn. Nếu bạn mới lần đầu đến Huế và muốn trải nghiệm một chuyến đi chuẩn từ A - Z, hãy đặt tour du lịch Huế trọn gói.

Chúc bạn có một hành trình thú vị!

Thị trấn Thanh Hà Hình ảnh được lấy từ nguồn Internet và Instagram

1