Xem thêm

Kinh nghiệm du lịch Hong Kong tự túc từ A đến Z

MAI THỊ NHUNG
Chắc hẳn bạn không quá xa lạ với Hồng Kông qua các bộ phim TVB. Những tòa nhà chọc trời, đô thị hiện đại, khu mua sắm sầm uất khiến nơi đây trở thành một...

Chắc hẳn bạn không quá xa lạ với Hồng Kông qua các bộ phim TVB. Những tòa nhà chọc trời, đô thị hiện đại, khu mua sắm sầm uất khiến nơi đây trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt mỗi dịp nghỉ lễ.

Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch tự túc đến Hong Kong, hãy tham khảo những kinh nghiệm thực tế mà Bankervn đã chắt lọc trong những hành trình gần đây. Xứ Cảng Thơm đang chờ đón bạn với những trải nghiệm đầy thú vị và độc đáo. Nào, hãy cùng bắt đầu hành trình ngay bây giờ!

Check-in Hong Kong Ảnh: Check-in Hong Kong

Đôi nét về Hong Kong

Hong Kong hay Hương Cảng ban đầu chỉ là một vùng thưa thớt, nghèo nàn và lạc hậu thuộc vùng Hoa Đông được triều đình nhà Thanh nhượng lại cho Vương Quốc Anh vào năm 1841. Nó phát triển mạnh mẽ thành một trung tâm tài chính quan trọng bậc nhất thế giới, cùng với Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore trở thành “4 con rồng kinh tế Châu Á”.

Cho đến năm 1997, Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc. Trở thành Đặc khu hành chính (SAR) có quyền tự trị. Tức là Hong Kong thuộc Trung Quốc nhưng có hệ thống chính trị, luật pháp, giáo dục, kinh tế và tiền tệ độc lập với đại lục. Hầu như người dân ở đây lấy tên tiếng Anh, có hộ chiếu riêng và coi mình là người Hong Kong hơn là người Trung Quốc.

Kinh nghiệm du lịch Hong Kong tự túc Ảnh: Kinh nghiệm du lịch Hong Kong tự túc

Hong Kong có tổng diện tích là 2.755 km2, bao gồm phần đất liền và hơn 260 hòn đảo. Lớn nhất là đảo Đại Tự Sơn, nổi tiếng nhất là đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long, Tân Giới là vùng đất liền và hầu hết các đảo còn lại. Ba mặt của Hong Kong là biển, phần đất liền duy nhất ở phía Bắc giáp thành phố Thâm Quyến của tỉnh Quảng Đông.

Hầu hết người Hong Kong là người gốc hán đến từ Quảng Đông. Tổng dân số vào khoảng 7,413 triệu người, tập trung trong các khu đô thị chật hẹp, khiến mật độ dân số ở đây thuộc hàng cao nhất thế giới. Với mức thu nhập bình quân đầu người là 48,517 USD, mọi chi phí ở Hong Kong cực kỳ đắt đỏ.

Ngôn ngữ chính thức của Hong Kong là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, các biển báo đều có song ngữ. Tiền tệ là Đô la Hồng Kông (HKD), một đô la xấp xỉ 3,100 VND. Múi giờ UTC+08:00 (HKT) nhanh hơn Việt Nam 1 tiếng. Nguồn điện 220V nhưng ổ cắm 3 chấu nhiều hơn 2 chấu, vì vậy nên mang theo ổ cắm chuyển đổi.

Địa hình Hong Kong dốc, có nhiều cầu thang, du khách cũng thường xuyên đi bộ, nên mang giày dép phù hợp. Google Map và Uber có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của bạn, nhưng nếu muốn phức tạp có thể cài OpenRice để xem review quán ăn, Explore Hongkong để xem bản đồ MTR.

Nên du lịch Hong Kong vào thời điểm nào

Hong Kong có khí hậu nhiệt đới biển, với bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân và thu mát mẻ, mùa hè không quá nóng nhưng ẩm ướt và mùa đông không quá lạnh nhưng không khí rất khô.

Nên du lịch Hongkong vào thời điểm nào Ảnh: Nên du lịch Hongkong vào thời điểm nào

  • Mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 5, mát mẻ và dễ chịu, với nhiệt độ từ 18-25°C. Đôi khi có sương mù và mưa nhỏ.

  • Mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8, nóng và ẩm, với nhiệt độ vào khoảng 30-35°C. Mưa nhiều, đặc biệt là tháng 7, 8, đôi khi có bão.

  • Mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11, mát mẻ và dễ chịu, với nhiệt độ từ 25-30°C. Đôi khi có mưa nhỏ.

  • Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2, không quá lạnh nhưng không khí rất khô, với nhiệt độ dao động từ 15-20°C.

Với du khách ở xứ lạnh, mùa đông là thời điểm thích hợp nhất để du lịch Hong Kong. Thực tế, đây là mùa cao điểm du lịch vì khô ráo, không quá lạnh và trùng với các dịp lễ Noel, Tết Dương Lịch và Tết Âm Lịch.

Còn với du khách Việt Nam, các tháng đẹp nhất là tháng 3, 4, 10 và 11 vì khí hậu mát mẻ, không có bão và lượng mưa thấp. Tháng 5 đến tháng 9 là mùa mưa bão, đặc biệt là tháng 6 đến tháng 8 nóng và ẩm ướt không khác gì ở Hà Nội. Từ tháng 12 tới tháng 2, nhiệt độ có thể xuống dưới 10°C, hơi lạnh so với dân mình.

Nhiệt độ và lượng mưa các tháng của Hong Kong Ảnh: Nhiệt độ và lượng mưa các tháng của Hong Kong

Chi phí du lịch tự túc Hong Kong

Hong Kong là thiên đường mua sắm vì được miễn thuế, tha hồ mà mua đồ đắt tiền, hàng hiệu, hàng xa xỉ. Mặc dù là xứ đắt đỏ, nhưng hầu hết chi phí du lịch của mình và bạn bè không đáng bao nhiêu nếu so với tiền mua sắm. Nếu loại bỏ chi phí này thì mỗi ngày chi tiêu ở đây khoảng 500 - 1000 HKD. Có thể phân thành ba mức chi tiêu như sau:

  • Tiết kiệm 500 HKD/ngày: nghỉ dorm, ăn uống tiết kiệm, di chuyển bằng giao thông công cộng và tham quan miễn phí.

  • Bình dân 1000 HKD/ngày: nghỉ phòng riêng, ăn uống đầy đủ, nhiều hình thức di chuyển hơn, tham quan miễn phí và có phí.

  • Sang chảnh 2000 HKD/ngày: loại này thì vô cùng lắm nhưng với chi phí tầm này thì thoải mái, thích gì được nấy.

Vé máy bay

Mặc dù có thể đi Hong Kong bằng cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không nhưng phổ biến nhất vẫn là hàng không. Các hãng bay bao gồm Vietjet, Vietnam Airlines, Hong Kong Airlines và Cathay Pacific. Giá vé khứ hồi dao động từ 4 đến 7 triệu. Nếu hữu duyên có thể đặt được vé khuyến mại chỉ 2 đến 3 triệu.

Khoảng cách từ Hong Kong đến Hà Nội là gần 880km, Đà Nẵng là hơn 950km và TP.HCM là hơn 1.500 km. Hành trình bay sẽ mất từ 2 đến 2,5 tiếng. Thủ tục nhập cảnh tương đối đơn giản nhưng lưu ý, sân bay Hong Kong nổi tiếng là rất rất rộng, việc đi lại tìm chỗ làm thủ tục sẽ tốn nhiều thời gian.

Sim du lịch

Sim du lịch Hong Kong khá rẻ, có các loại từ 5 đến 8 ngày với mức giá giao động từ 200 - 350k, tham khảo ở đây. Nếu đi nhóm, muốn tiết kiệm thì có thể thuê cục phát wifi. Không biết các bạn thế nào chứ mình thấy mua sim tiện nhất. Trước hay mua qua Klook sang sân bay đi tìm điểm lấy mà sau thấy phiền mua ở Việt Nam còn tiện hơn.

Đổi tiền

Nên đổi đô la Hong Kong và một ít đô la Mỹ tại Việt Nam, tiện nhất là qua tiệm vàng. Đổi ở sân bay nghe nói tỷ giá không tốt. Tại Cửu Long, mình được giới thiệu khu Chungking Mansions ở Tsim Sha Tsui có nhiều quầy đổi tiền. Đảo Hong Kong thì có khu World Wide House ở Central. Lưu ý là đổi tiền ở Hong Kong thì phải dùng USD chứ VND không có nhận nhé.

Nói chung, tùy mức chi tiêu để đổi, nhiều quá không tiêu hết về lại phải đi bán. Các tờ tiền mệnh giá lớn đôi khi bị từ chối thanh toán. Khi mua hàng tại trung tâm mua sắm, nhà hàng, trang đặt vé, đặt phòng hầu hết đều thanh toán qua thẻ tín dụng. Bạn mình có nói nhỏ là lên group đổi lợi tỉ giá, không biết các bạn sao, mình thì không chơi mấy cái trò hên xui này.

Chi phí chỗ ở

Hong Kong là nhất trừ khách sạn, giá cả trên trời không. Không có ngoại lệ đâu nhé, giá rẻ chỉ có cũ bẩn hoặc cách xa trung tâm thôi. Giường dorm khoảng 700k, phòng riêng tạm được là tầm 2-3 triệu. Nói chung cứ lên airbnb, booking, agoda đọc review thật kỹ rồi đặt.

Chi phí ăn uống

Ẩm thực của Hong Kong cực kỳ đa dạng và phong phú nên giá cả cũng trên trời dưới bể. Một bữa ăn bình dân như mì, cơm gà, xá xíu là khoảng 50 HKD. Một bữa ăn trong nhà hàng ít nhất là 125 HKD. Ăn lẩu thì tầm 200 - 300 HKD một người. Món nổi tiếng nhất là ngỗng quay, nửa con có giá khoảng 400 HKD. Chai nước suối khoảng 10 HKD, kem hoặc trà sữa cũng tầm 30 - 50 HKD.

Chi phí đi lại

Hong Kong là thành phố có tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng cao nhất thế giới. Sự đa dạng của các phương tiện công cộng và độ phủ rộng rãi khiến du khách có thể khám phá mọi ngóc ngách của đảo Hong Kong, Cửu Long và một phần Tân Giới. Chi phí di chuyển bằng phương tiện công cộng mỗi ngày chưa đến 100 HKD.

Chi phí tham quan

Giá vào các điểm tham quan của Hong Kong tương đối đắt. Đi Disneyland sẽ tốn ít nhất 600 HKD, mua thêm các combo từ 20 HKD nữa. Ngong Ping 360 và The Peak cỡ 250 HKD.

Ở đâu tại Hong Kong

Tổng diện tích của Hong Kong là 2.755 km2, chỉ xấp xỉ 1,3 lần Sài Gòn. Tuy nhiên, phần lớn diện tích là biển đảo và đồi núi, vùng đô thị chỉ chiếm diện tích rất nhỏ. Về mặt du lịch, Hong Kong được chia làm 5 khu vực chính:

Bản đồ Hong Kong Ảnh: Bản đồ Hong Kong

  • Hong Kong Island (Đảo Hong Kong): trung tâm của trung tâm, hiện đại, đắt đỏ và xa xỉ.

  • Kowloon (Cửu Long): vẫn là trung tâm nhưng đậm chất văn hóa Trung Hoa, giá đỡ đắt đỏ hơn Đảo Hong Kong.

  • Lantau (Đại Tự Sơn, tên cũ là Lạn Đầu): đảo lớn nhất Hong Kong, nơi đặt sân bay quốc tế.

  • Outlying Islands (Các hòn đảo xa xôi): nổi bật nhất là đảo Cheung Chau, tiếp theo là đảo Lamma.

  • The New Territories (Tân giới): phần đất liền, chủ yếu là nơi sinh sống của dân địa phương.

Về mặt hành chính, The New Territories bao gồm cả Lantau và Outlying Islands. Trong đó, chỉ có 3 điểm du lịch là Disneyland, Ngong Ping 360 và làng Tai O tại Lantau là đáng chú ý nên hầu như khách du lịch không lưu trú tại đây. Hai khu vực để du lịch là đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long. Giao thông giữa hai khu vực này cực kỳ tiện lợi và nhanh chóng. Vì vậy, ở hai khu vực này, du khách ở đâu cũng được, miễn là gần ga tàu hoặc bến xe bus.

Chỗ ở tại Hong Kong Ảnh: Chỗ ở tại Hong Kong

Đảo Hong Kong là nơi người Anh đặt chân đến đầu tiên, là trung tâm kinh tế với hàng trăm tòa nhà chọc trời, cao ốc sang trọng. Giá phòng ở đây là vô địch nhất. Bao gồm các khu xếp theo thứ tự từ đắt đến rẻ: Vịnh Causeway, Central, Wan Chai và Sheung Wan.

Kowloon hay bán đảo Cửu Long có mặt bằng chi phí thấp hơn đảo Hong Kong. Đi lại cũng tiện nên được nhiều du khách chọn lựa nhất. Bao gồm các khu xếp theo thứ tự từ đắt đến rẻ: Tsim Sha Tsui, Yau Ma Tei và Mong Kok.

Di chuyển tại Hong Kong

Việc đầu tiên cần làm khi xuống sân bay là làm thẻ Octopus. Cũng giống như T-money (Hàn Quốc), Easy Card (Đài Loan), Octopus là loại thẻ toàn năng của khách du lịch, không có không được. Octopus Card dùng để đi MTR, Airport Express, Ding Ding, Bus, Tram, Ferry… Ngoài ra, nó còn được sử dụng để thanh toán ở các cửa hàng tiện lợi, một số nhà hàng và điểm tham quan.

Thẻ Octopus Ảnh: Thẻ Octopus

Có thể mua thẻ Octopus từ khi ở Việt Nam hoặc tại các cửa hàng tiện lợi tại Hong Kong. Tiện nhất là quầy Customer Service của Airport Express.

1