Cập nhật vào 12/12
Mỗi vùng miền nước ta có nét văn hóa ẩm thực rất riêng tạo nên sự đa dạng và phong phú. Bài viết này, hãy cùng Món ngon Trung bộ khám phá những nét văn hóa ẩm thực của vùng Bắc Trung Bộ.
1. Khái quát về ẩm thực Bắc Trung Bộ
Bắc Trung Bộ là phần phía bắc của Trung Bộ Việt Nam có địa bàn từ Nam Ninh Bình tới Bắc Đèo Hải Vân, là nơi cư trú của 25 dân tộc khác nhau (Thái, Mường, Tày, Mông, Bru - Vân Kiều) sống ở Trường Sơn.
Chính những điều đặc biệt đến từ địa lý của khu vực Bắc Trung Bộ cùng với nền văn hóa đa dạng, phong phú đã đem đến cho khu vực này một nét văn hóa ẩm thực vô cùng khác biệt.
Đồ ăn Bắc Trung Bộ với tất cả tính chất đặc sắc của nó thể hiện qua hương vị riêng biệt, nhiều món ăn cay, chua và mặn hơn đồ ăn miền Bắc và miền Nam, màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm.
Nhắc đến ẩm thực của Bắc Trung Bộ hầu hết mọi người nhắc đến: xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế. Đây là những nơi có phong vị ẩm thực phong phú, đa dạng, chứa đựng nét đặc trưng riêng biệt, khó có thể trộn lẫn với bất cứ mảnh đất nào khác.
- Chia sẻ với bạn: Những đặc sản nổi tiếng của miền Trung.
2. Nét độc đáo trong ẩm thực Bắc Trung Bộ
2.1. Ẩm thực xứ Nghệ
Ẩm thực Xứ Nghệ đậm đà, mộc mạc, như tính cách người Xứ Nghệ. Người Xứ Nghệ tuy mang vẻ ngoài thô kệch, quê mùa, nhưng tâm hồn lãng mạn, nên hương vị ẩm thực Xứ Nghệ cũng thi vị như tâm hồn người Xứ Nghệ.
Cái riêng của văn hóa ẩm thực Xứ Nghệ nổi bật ở phong cách gia vị rất khác lạ. Bạn có thể bắt gặp người dân kho thịt gà với một nắm hành tăm, vài cái lá chanh;
Bạn cũng có thể nhìn thấy nhân dân sử dụng chỉ với một nắm xơ mít và lưng chén tương lúc họ kho cá… với sự thông minh và khéo léo, người phụ nữ Xứ Nghệ đã biến những thứ tưởng như không thể ăn được thành món ăn lạ miệng, không nơi nào có như nham củ chuối, nhút mùng, nhút mít…
Bởi vậy mới nói Nghệ An không chỉ là vùng đất có nhiều danh lam, thắng cảnh mà còn thu hút du khách bởi ẩm thực nức tiếng gần xa.
Ẩm thực Nghệ An giản dị, sạch lành, nhưng qua thời gian, vị ngon khó cưỡng ấy đã được nâng tầm thành đặc sản, là món quà không thể thiếu trong hành trình trở về của mọi du khách. Điểm qua một số món đặc sản nổi tiếng của Nghệ An gồm:
Tương Nam Đàn
Tương Nam Đàn - một đặc sản Nghệ An mà bất cứ du khách nào qua đây đều muốn mua về làm quà. Tương Nam Đàn phải mất gần hai tháng, qua nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ và sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu thiên nhiên gồm: đậu nành, nếp, muối không có iốt và nước.
Đậu nành phải chọn những hạt đều, chắc và mẩy. Đậu rửa sạch, đem rang cho vừa. Rang xong, vỏ đậu vẫn giữ nguyên được màu vàng nâu mới đạt yêu cầu.
Đậu để nguội, sau đó được xay (xiết) vỡ đôi, vỡ ba, không được xay nát như hai loại tương ngoài Bắc: tương Bần (Hưng Yên), tương Cự Đà (Hà Tây), mà chỉ xay vỡ thành mảnh, sảy bỏ vỏ, cho vào nồi nấu (10kg đậu - 100 lít nước) hơn 24 giờ rồi múc vào chum ủ trong 7 ngày.
Nhút Thanh Chương
Người Nghệ An có câu nói “Nhút Thanh Chương - Tương Nam Đàn” để chỉ đặc sản dân dã của xứ Nghệ. Nhút Thanh Chương được ví như món kim chi của mảnh đất này. Món nhút được làm từ quả mít non muối.
Món Nhút vắt khô, chấm nước Chẹo (được làm từ nước tương và lạc rang giã nhỏ, thêm ớt, tỏi, đường), ăn kèm với rau kinh giới rất ngon. Bên cạnh đó, nhút nộm thịt ba chỉ, lạc rang, bánh đa vừng, thêm gia vị, thơm ngào ngạt khó ai có thể cưỡng nổi sự hấp dẫn lạ kỳ ấy.
Bánh mướt Diễn Châu
Một ai đã từng ghé mảnh đất Diễn Châu, thưởng thức món bánh mướt - món ngon Nghệ An sẽ vương vấn mãi không quên. Bánh mướt Diễn Châu ngon nổi tiếng như bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội)…
Loại bánh này làm từ gạo tẻ xay. Bánh mướt dễ ăn, chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi xắt lát cũng đã thấy ngon miệng. Nếu dùng bánh mướt để đãi khách thì có thể dùng kèm với thịt lợn nướng, bò nướng lụi, chả nem rán, bò lá lốt mỡ chài rất ngon.
Đặc biệt hơn, bánh mướt ăn với bò hấp thố, bò nhúng dấm… cuốn bánh tráng, kèm rau xà lách và đủ loại rau thơm hấp dẫn.
- Chia sẻ với bạn: Nếu có dịp lên Lai Châu khám phá ẩm thực của miền Tây bắc, đừng bỏ qua những quán ăn ngon ở Lai Châu này bạn nhé.
2.2. Ẩm thực xứ Thanh
Thanh Hóa rất đa dạng về các món ăn, phong phú trong cách chế biến, ngon thơm bổ về chất lượng, đẹp đẽ về hình thức trình bày, vừa chứa đựng vẻ thơm ngon, bổ dưỡng của bốn phương vừa đặc sắc tính dân gian địa phương.
Mỗi đặc sản Thanh Hóa là một minh chứng sinh động cho kết quả sáng tạo và gìn giữ của ông cha và thể hiện sinh động sức sống trong giao lưu văn hóa thời đại.
Việc phát huy giá trị của đặc sản Thanh Hóa, văn hóa ẩm thực Thanh Hóa với đời sống văn hóa của mọi thời kỳ là điều hết sức cần thiết và rất đáng được quan tâm. Một số món đặc sản xứ Thanh có thể kể tên như:
Nem chua
Nem chua là một trong những món ăn phổ biến, được sản xuất ở nhiều địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên nem chua xuất xứ từ Thanh Hóa được đánh giá là thơm ngon và có nhiều điểm đặc trưng hơn cả.
Nem chua được làm từ thịt sống, bì lợn cùng các gia vị như tiêu, tỏi, ớt, bọc kín trong nhiều lớp lá chuối tươi cho lên men đến chín, khi ăn có vị chua dịu đậm đà.
Nem chua Thanh Hóa truyền thống có hình trụ, nhỏ và dài như ngón tay trỏ người lớn, nhưng ngày nay người ta đã biến tấu thêm thành nhiều loại phong phú như: nem dài, nem oản, nem cối, nem vuông… để đáp ứng nhu cầu của thực khách.
Bánh cuốn
Bánh cuốn cũng là món ăn khá phổ biến ở nhiều địa phương, tuy nhiên, bánh cuốn Thanh Hóa lại có nét đặc sắc rất riêng khiến thực khách ăn một lần đều nhớ mãi. Đó là phần nhân tôm nõn và thịt bằm thơm ngon, được cuốn trong lớp bánh tráng mỏng, mịn và mướt.
Mỗi miếng bánh được cuốn tròn đầy đặn, rắc thêm hành phi vàng giòn, ăn với nước chấm pha nhạt. Bánh cuốn Thanh Hóa có thể ăn kèm với giò, chả nướng, hoặc ăn thêm trứng hấp bánh cuốn cũng rất hấp dẫn.
Chả tôm
Món chả tôm Thanh Hóa đã làm say lòng biết bao du khách mỗi khi đặt chân đến mảnh đất nằm ở đầu miền Trung.
Nguyên liệu chính để chế biến món ăn này là tôm tươi bóc vỏ giã nhuyễn, kết hợp với thịt ba chỉ xay, xào cùng tiêu và hành khô, bên ngoài bọc 1 lớp bánh phở cuốn.
Chả tôm được kẹp vào que, nướng trên than hồng đến khi xém vàng lớp vỏ. Khi ăn, thưởng thức chả tôm chấm nước chấm chua ngọt trộn đu đủ xanh, cùng với chút rau sống tươi xanh.
2.3. Ẩm thực xứ Huế
Đối với xứ Huế, ăn uống cũng là một loại hình văn hoá” và chia ẩm thực Huế làm hai hệ, ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian.
Thật ra, ẩm thực cung đình cũng là ẩm thực dân gian được nâng cao lên, và đến lượt ẩm thực cung đình ảnh hưởng trở lại làm thay đổi chất lượng của ẩm thực dân gian bởi đầu bếp cung đình cũng là những người khéo tuyển mộ từ dân gian.
Ẩm thực Huế có một chiều sâu mang đậm nét bản sắc của một vùng đất từng là kẻ chợ, thanh lịch, nhẹ nhàng và tùng tiệm.
Người Huế ăn uống gắn liền với ba tiêu chí là: rẻ, ngon và nhất là phải đẹp, người Huế đã chia ăn uống thành ba bậc: khẩu thực, nhãn thực và tâm thực. “Khẩu thực” là cách ăn bằng miệng, để tồn tại, “nhãn thực” là thưởng thức bằng mắt và “tâm thực”, nghĩa là ăn bằng cả tấm lòng mình.
Trong ẩm thực xứ Huế, từ các món ăn dân dã đến những món ăn cung đình đều phảng phất những nét đặc trưng của một vùng đất cố đô nơi các vua chúa đã từng ngự trị.
Cơm Hến
Cơm hến được cho là món ăn của nhà nghèo, song qua cách chế biến rồi đến trình bày, bất cứ ai thưởng thức cũng có thể thấy trong món cơm Huế trộn lẫn một cách rất hài hòa cả sự bình dân lẫn phong cách rất sang đậm chất Huế rất khó diễn tả thành lời.
Cơm hến được trình bày dưới hình thức là cơm nguội trộn với hến xào qua dầu và gia vị, nước hến, mắm ruốc, rau bắp cải, tóp mỡ, bánh tráng nướng, mì xào giòn, ớt màu, đậu phộng nguyên hạt, dầu ăn chín, tiêu, vị tinh và muối.
Ngoài cơm hến, còn có các món ăn như bún hến và mì hến, nhưng thực chất đây không phải là đặc sản Huế mà là do người ta cải biến món cơm hến lại mà thôi. Các bạn có thể thưởng thức món ăn này tại đầu chân cầu thôn Vĩ Dạ ở Cồn Hến hay bất kỳ hàng quán nào trong nội thành.
Bún bò Huế
Món bún này thường được nấu cay theo khẩu vị chuộng cay của người dân xứ Huế. Món ăn này đòi hỏi người đầu bếp phải có kinh nghiệm, sự tỉ mỉ trong từng công đoạn chế biến món ăn.