Xem thêm

Tết Nguyên Đán - Tình Hoa Văn Hóa Việt Nam

MAI THỊ NHUNG
Tết Nguyên Đán - một trong những lễ hội truyền thống quan trọng và đặc sắc nhất của người Việt, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đã và đang làm rạng danh nền...

Tết Nguyên Đán - một trong những lễ hội truyền thống quan trọng và đặc sắc nhất của người Việt, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đã và đang làm rạng danh nền văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới. Những phong tục, tập quán tốt đẹp trong những ngày Tết không chỉ đóng góp vào hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, hệ giá trị, đạo đức và thẩm mỹ của con người Việt, mà còn quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay.

Văn hóa làng quê là nguồn cội của nền văn hóa Việt Nam

Tết Nguyên Đán là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, xuất phát từ văn hóa làng quê - cội nguồn của nền văn hóa Việt Nam. Qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa làng quê đã tạo dựng những giá trị riêng, đặc sắc, làm nên bản chất của dân tộc. Làng quê Việt Nam, nơi cộng đồng nông dân sinh sống và gắn bó với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và tạo ra những phong tục, tập quán độc đáo trong ngày Tết.

Tết Nguyên Đán bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23 Tết) và kéo dài đến mùng bảy Tết. Ba ngày đầu tiên của tháng đầu tiên là ngày chào đón năm mới. Đón Tết Nguyên Đán không chỉ là đón Xuân, mà còn là đón một năm mới - một mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự sinh sôi, nảy nở; là thời điểm mà đất trời và con người giao hoà. Tết là dịp sum họp gia đình, trọng thể cúng tổ tiên, thăm hỏi người thân, tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và xã hội. Tết không chỉ là một lễ hội, mà còn là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam, thể hiện trong cách sống, hành vi và tinh thần.

Tết - Khoảng thời gian tĩnh lặng để nhớ về quá khứ và kỷ niệm

Tết là một khoảng thời gian tĩnh lặng, cho phép mỗi người nhớ lại những kỷ niệm xưa, nhớ đến những ký ức đẹp của tuổi thơ, nhớ những chặng đường gian khó, nhớ những tháng ngày tươi đẹp của mình, gia đình và làng quê. Tết là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và cộng đồng; là hành trình của thời gian, giúp con người trở về với cội nguồn. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, dành những lời chúc tốt đẹp cho nhau, thực hành thờ cúng tổ tiên và tận hưởng niềm vui đoàn tụ. Tết không chỉ là dịp tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới, mà còn là dịp để mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được du xuân khám phá cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình và nạp thêm nguồn năng lượng mới để cống hiến và yêu quê hương, tổ quốc.

Tết - Biểu tượng linh thiêng trong tâm thức của người Việt

Giây phút linh thiêng nhất của Tết là khi giao thừa đêm Ba mươi, lúc trời đất giao hòa và thời gian như đọng lại. Gia đình quây quần, sum họp tạm biệt năm cũ và đón năm mới; mọi người trò chuyện, hàn huyên về những kỷ niệm của năm qua và gửi nhau những ước nguyện tốt đẹp cho năm mới. Mỗi khi Tết đến, người dân Việt xa xứ luôn tràn đầy cảm xúc, nhớ về gia đình, quê hương, nơi có ông bà, cha mẹ và người thân đang chờ đợi giây phút được gặp lại những người con xa quê trở về. Tính chất thiêng liêng của Tết cổ truyền thể hiện trong những nghi thức tâm linh mà người Việt sửa soạn và cử hành, từ Tết ông Công, ông Táo cho đến các lễ cúng và nghi lễ tế trời đất. Những nghi thức này mang trong mình những giá trị tình thần sâu sắc, kết nối con người với tổ tiên và tôn vinh các anh hùng có công với dân tộc.

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

Những phong tục, tập quán tốt đẹp trong ngày Tết không chỉ có ý nghĩa trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn là cơ sở để củng cố ý thức tự tôn dân tộc, phát triển bền vững và duy trì sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, sự thay đổi và biến tướng của một số phong tục truyền thống đã làm mất đi giá trị truyền thống, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và sinh hoạt cộng đồng. Vì vậy, cần nhìn nhận Tết Nguyên Đán là một di sản văn hóa hàng đầu, là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và gìn giữ những giá trị đó, đồng thời loại bỏ những hủ tục không phù hợp để phát triển bền vững và góp phần vào sự gắn kết và hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa con người và xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc gìn giữ và trân trọng những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền là vô cùng quan trọng. Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam, mà còn là trách nhiệm của cả xã hội. Đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo động lực cho sự cống hiến và yêu quê hương, đất nước, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí tự cường dân tộc của người Việt Nam. Mỗi khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền trở thành nguồn lực nội sinh, thì nó sẽ góp phần vào sự phát triển toàn diện của đất nước.

Trong ngày Tết, người Việt tập trung sum họp gia đình, tham gia các hoạt động truyền thống như cúng tổ tiên, thăm hỏi người thân và thực hiện các nghi thức tâm linh. Tết Nguyên Đán không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt, mà còn là biểu tượng linh thiêng trong tâm thức của mọi người, gắn kết và thể hiện bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam.

1